Về Nam Đàn trẩy hội Vua Mai |
Trong 3 ngày (13, 14 và 15 tháng Giêng âm lịch), Lễ hội Đền Vua Mai được tổ chức tưng bừng, khai hội mở đầu cho một mùa Xuân mới đang về trên khắp các nẻo đường đất nước. Đến hẹn lại lên, hàng năm vào dịp đầu Xuân năm mới, Đảng bộ và nhân dân Nam Đàn cùng hàng vạn du khách thập phương lại nô nức về trẩy hội đền Vua Mai. Đây là một trong những lễ hội truyền thống được tổ chức nhằm tưởng nhớ công đức của Mai Thúc Loan cùng các tướng lĩnh của ông và ôn lại khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa đánh bại quân xâm lược nhà Đường, xây dựng nước Vạn An độc lập. Nhiều năm liền, gia đình ông Nguyễn Văn Thanh ở Hà Nội, vốn quê ở Nam Đàn đều sắp xếp thời gian về tham dự Lễ hội đền Vua Mai. Lễ hội diễn ra đúng vào dịp Rằm tháng Giêng nên ông cùng con cháu lên đền thờ và Khu Di tích Lăng mộ Vua Mai thắp nén hương tưởng nhớ công đức của Ngài, rồi về thắp hương tại nhà thờ họ. "Tôi muốn giáo dục cho con cháu truyền thống tốt đẹp về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, của cha ông. Để từ đó thế hệ trẻ hiểu biết thêm cội nguồn lịch sử phát huy truyền thống văn hóa của cha ông vào công cuộc xây dựng đất nước"- Ông Thanh chia sẻ. Cùng với ông Thanh, Lễ hội đền Vua Mai năm nay đón hàng vạn du khách về dự lễ. Thời tiết cũng thuận lòng du khách, không còn cái rét cắt da cắt thịt như những ngày đầu Xuân, 8h ngày 5/2 (tức ngày 14 tháng Giêng âm lịch)- thời điểm Lễ khai hội chính thức được tổ chức, trời bắt đầu hửng nắng. Lễ dâng hương tưởng niệm Vua Mai và lễ khai hội được tổ chức trang trọng, đậm đà bản sắc dân tộc với các màn múa lân, múa rồng tưng bừng, tạo không khí phấn khởi cho nhân dân và du khách về dự lễ hội. Ông Thái Văn Nông, Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn đánh trống khai mạc lễ hội đền Vua Mai năm 2012. Sau bài Văn tế tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của Vua Mai Thúc Loan, các vị lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện tiến hành dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công lao của Ngài. Các đoàn rước bài vị từ mộ Vua Mai Thúc Loan tại núi Đụn Sơn, xã Vân Diên về đền thờ Vua Mai ở Thị trấn Nam Đàn. Năm nay, Nam Đàn tổ chức chấm giải cho các đoàn rước để vừa động viên các xã, vừa tạo ra tinh thần thi đua lành mạnh, làm cho không khí lễ hội thêm phần náo nhiệt. Kết quả, đoàn rước xã Vân Diên đã giành giải Nhất, đoàn rước Thị trấn giải Nhì, hai đoàn rước của Nam Thái và Nam Thượng đồng giải Ba. Ban tổ chức lễ hội đã chỉ đạo ban tế lễ tập luyện chu đáo nên Lễ Đại tế đã được tổ chức thành kính, trang nghiêm theo nghi lễ cổ truyền dân tộc. Lễ Đại tế (Lễ tế thần) có ý nghĩa thỉnh mời và đón rước các chư vị thần linh về dự hội để dân làng tỏ lòng biết ơn đấng thần linh. Đây là nghi lễ trang trọng nhất. Phần hội được tiếp nối bằng một chuỗi trò chơi dân gian. Tại đền thờ Vua Mai diễn ra sôi nổi các trò chơi cờ thẻ, chọi gà, đấu vật... Chọi gà là trò chơi dân gian từ ngàn xưa của người dân làng, xã. Nhưng với Hội đền Vua Mai thì chọi gà mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Những tháng năm luyện binh và chiến đấu ngoài chiến trường, những người lính xa nhà nhớ đến vợ con ở quê. Vì thế, Hội thi chọi gà được vua Mai mở ra nhằm mua vui, động viên tinh thần quân sỹ. Từ đó, chọi gà trở thành tập tục trong Hội đền Vua Mai. Trong các hoạt động về phần hội, phần chấm thi "Cỗ xôi gà" dâng lên Vua Mai giữa các khối trong Thị trấn Nam Đàn để lại ấn tượng trong lòng du khách. Thật khó để ban giám khảo lựa chọn ra mâm cỗ đẹp nhất, vì các đội khi làm cỗ dâng Vua đều lựa chọn những con gà đẹp, cổ cao, cánh rộng, chân cân đối; nếp thơm, dẻo và người làm cỗ khéo tay, tài hoa... Đây được xem là hoạt động nhằm khôi phục lại tục lệ nuôi gà thờ, làm xôi thờ của người dân Nam Đàn. Vào các buổi tối, bên những ánh đèn lấp lánh với nhiều sắc màu từ các lán trại, du khách và người dân được sống lại khí thế hào hùng của khởi nghĩa Hoan Châu trong trích đoạn Mai Thúc Loan ra trận, do Nhà hát Dân ca Nghệ An biểu diễn. Cuộc thi "Người đẹp Sa Nam" lần đầu tiên cũng được tổ chức. Tham dự cuộc thi là 10 thí sinh đến từ 5 trường THPT trên địa bàn huyện. Các thí sinh phải trải qua 4 phần thi: Trình diễn áo dài Việt Nam; tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Vua Mai Hắc Đế; trình diễn trang phục tự chọn và phần thi năng khiếu. Được chờ đợi và nhận được sự cổ vũ lớn từ các khán giả là phần thi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Mai Hắc Đế - một người con của đất Sa Nam - người đã lãnh đạo nhân dân chống lại ách xâm lược nhà Đường. Ông Thái Văn Nông - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội đền Vua Mai năm 2012 cho biết: "Nhờ được tổ chức thành kính, trang nghiêm, bảo đảm các yếu tố tâm linh theo nghi lễ cổ truyền dân tộc nên lượng du khách về trẩy hội đền Vua Mai ngày càng đông. Hoạt động lễ hội diễn ra phong phú và đúng kế hoạch". Vào những ngày này, quanh khu vực đền Vua Mai du khách từ thập phương về trẩy hội kín cả một vùng. Các tục, trò diễn, trò chơi dân gian dần dần trở thành nét văn hóa, phong tục tốt đẹp từ ngàn đời nay của người dân Nam Đàn. Du khách được hòa mình với những trò chơi truyền thống, được trở về với những nét văn hóa xa xưa rất thú vị. Lễ hội chính là cơ sở phục hồi lại những nghi thức văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Lễ hội đền Vua Mai cũng là dịp để nhân dân, du khách thập phương tìm hiểu, thưởng ngoạn các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của một vùng quê xứ Nghệ. Đồng thời là cơ hội quảng bá, giới thiệu về cụm Di tích Văn hóa lịch sử Mai Hắc Đế và tiềm năng du lịch Nam Đàn. |
—————